Kí ức chơi cù
Thuở bé, lũ trẻ nhà quê chúng tôi thường được bố làm cho mỗi đứa một chiếc cù. Chúng tôi mang cù theo mỗi khi đi chăn trâu và tổ chức các cuộc đấu cù làm dậy lên những tiếng cười râm ran lan khắp cả cánh đồng làng.
Bây giờ, chúng bạn tôi đã đi tứ phương mưu sinh, quê tôi đã đô thị hóa, trẻ con không còn chơi cù nữa. Kì lạ thay, mới đây, trong một lần lên vùng cao, thấy đám trẻ người Mông say sưa chơi cù (người Mông gọi là tu lu), cả một kí ức tuổi thơ với những trò chơi dân gian bình dị bỗng sống lại mãnh liệt trong lòng tôi.
Trong những dòng kí ức trong trẻo ấy, nhớ nhất là thằng Thành, một đứa bạn cũng sinh năm 1981 như tôi. Bố Thành làm thợ mộc trong xóm nên nó bao giờ cũng có chiếc cù đẹp nhất, tốt nhất trong nhóm bạn. Vì thế, trong những cuộc đấu cù, bao giờ nó cũng giành phần thắng. Ở quê tôi, chơi cù có hai cách, cách thứ nhất là đánh cù xem chiếc nào quay lâu hơn. Cách thứ hai là dùng cù chọi vào nhau, chiếc cù nào bị vỡ thì sẽ bị xử thua. Tất nhiên, người thua sẽ phải làm các việc mà lũ trẻ trâu chúng tôi thường quy định như phải cắt cỏ đuổi trâu về cho người đứa thắng cuộc.
Để làm cù có thể chọn rất nhiều loại gỗ như: gỗ cây thị, gỗ lim, gỗ lát…
nhưng tốt nhất vẫn là gỗ từ thân cây ổi găng, vì gỗ ổi găng vừa chắc, dễ tìm lại vừa dễ đẽo.
Để làm một chiếc cù vừa cỡ tay cầm của trẻ con,
người ta thường chọn thân cây ổi có đường kính khoảng 10cm là thích hợp nhất.
Người đẽo cù phải biết cách tính toán căn chỉnh sao cho chiếc cù phải tròn và thật cân đối.
Một chiếc cù tốt khi đánh phải cân đối và xoay được lâu.
Đấu cù với thằng Thành, tôi luôn là người thua cuộc, luôn phải cắt hai phần cỏ và lặn lội đi đồng xa đuổi trâu về cho nó. Tôi cay cú lắm, nghe người lớn bảo, gốc cây ổi vừa to vừa chắc làm cù thì tuyệt diệu. Nhà tôi có 2 cây ổi găng mọc ở chái nhà cho quả thơm ngon nhất làng, đến mùa mẹ tôi gánh ra chợ bán rất đắt hàng. Một cây đã bị đốn trộm lúc cả nhà tôi đi làm đồng vắng. Cây còn lại, nhân lúc bố mẹ đi vắng, tôi vác dao đốn hạ nốt để đẽo cù với mong muốn sẽ "phục thù" chọi vỡ cái cù của thằng Thành cho bõ tức. Quả nhiên cuộc đấu cù ngày hôm đó tôi đã chọi thắng cù của Thành, nhưng đồng thời chiều về cũng bị bố cho một trận đòn nhớ đời vì tội dám cả gan đốn hạ cây ổi. Lần ấy, thằng Thành đứng bên bờ rào nhìn tôi bị đòn cứ cười rúc rích.
Chúng tôi lớn lên như củ khoai, củ sắn với biết bao kỉ niệm buồn vui của một thời thơ trẻ ở chốn nông thôn. Lớn lên, llux chúng tôi mỗi đứa một nơi. Đứa vào Nam, thằng ra Bắc. Hôm rồi có dịp lên vùng cao vui hội của người Mông, thấy đám trẻ con chơi tu lu, lòng tôi bỗng dậy lên những cảm xúc khó tả về một thơi xưa cũ. Thế rồi ngày hôm ấy, tôi bỗng nhiên hóa thành trẻ nhỏ, cũng lăn vào mượn tu lu và say sưa chọi cù với đám trẻ Mông tinh nghịch.
Trẻ con người Mông chơi cù (tu lu) rất đa dạng, có thể chơi 1 mình.
Hoặc hai người đấu với nhau.
Vào ngày hội, có thể cả một nhóm bạn cùng tham gia chơi cù.
Nguồn: http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/ki-uc-choi-cu/38102.html