Hướng dẫn cách xoay Rubik 3x3
Rubik là một trò chơi giải đố do giáo sư Ernő Rubik người Hungary phát minh ra năm 1974. Phiên bản tiêu chuẩn của Rubik là khối lập phương cạnh 3x3 với 6 màu ở 6 mặt: đỏ, vàng, cam, xanh lá cây, xanh dương và trắng. Chiều dài cạnh của lập phương Rubik tiêu chuẩn là khoảng 5,7cm.
Rubik có cách chơi đơn giản nhưng lại… siêu khó, giống như giải một bài toán vậy. Trò chơi bắt đầu bằng việc xáo trộn các ô màu trên Rubik và nhiệm vụ của người chơi là tìm cách xếp lại Rubik về hình dạng ban đầu với 6 mặt màu đồng nhất.
Đối với người mới tập chơi, nếu không có phương pháp, họ gần như không bao giờ giải được bài toán Rubik. Trên thế giới hiện nay, người xếp Rubik nhanh nhất là Mats Valk với kỉ lục 5,55 giây tại giải Melbourne Cube Day 2013.
Chỉ cần nhớ được các thuật toán và công thức, Rubik chỉ là "chuyện nhỏ".
Bản chất của Rubik là sử dụng các thuật toán hoán vị để thành công. Mỗi Rubik tiêu chuẩn có 43 tỉ tỉ hoán vị khác nhau. Nếu coi mỗi khối Rubik là một hoán vị và xếp chúng thành bề mặt cong, số lượng này đủ phủ kín bề mặt Trái đất 256 lần.
Để giải thành công một khối Rubik tiêu chuẩn (3x3), có rất nhiều phương pháp khác nhau. Một số phương pháp xoay nhanh được Jessica Fridrich, Philip Marshall hay Ryan Heise phát triển có thể giúp giải Rubik chỉ sau 40 - 65 lần xoay.
Tuy nhiên, cách này thường chỉ dùng cho những người chơi lâu năm, vì thuật toán khó và thậm chí còn rất nhiều (với phương pháp Fridrich, bạn phải ghi nhớ 120 thuật toán khác nhau).
Cách phổ biến và thông dụng nhất dùng để giải Rubik phù hợp với mọi đối tượng là phương pháp của David Singmaster - một nhà toán học người Anh.
Một cách đơn giản, có thể hiểu đây là cách thức xếp Rubik theo từng tầng. Đối với tầng thứ nhất, người chơi cần xếp được một chữ thập chuẩn ở một mặt (màu của các đỉnh chữ thập trùng với màu mặt đang xếp và màu của 4 mặt xung quanh tương ứng).
Sau đó, người chơi xếp nốt 4 khối ở góc vào đúng vị trí của chúng để hoàn thiện tầng một. Trong quá trình xếp, cần giữ nguyên vị trí của chữ thập mình đã xếp được.
Đối với tầng thứ hai, công việc bắt đầu phức tạp hơn. Người chơi phải xếp 4 góc của tầng này vào đúng vị trí mà không được phá vỡ cấu trúc của tầng đáy vừa xây xong.
Tầng thứ ba là công đoạn khó nhất trong việc giải quyết một khối Rubik. Đối với tầng này, người chơi phải nhớ khá nhiều thuật toán. Một trong những cách điển hình là xếp sao cho mặt cuối cùng đồng màu (dù các khối nhỏ ở vị trí sai).
Tiếp đó, sử dụng công thức để đổi chỗ sao cho 4 khối nhỏ ở góc về đúng chỗ mà không thay đổi cấu trúc đã xếp ở các tầng dưới. Cuối cùng, người chơi xếp nốt các viên cạnh ở giữa về đúng vị trí là hoàn thành.
Nguồn: Tri Thức Trẻ