Breaking News

Con thổi - Tò he bằng đất nung

Nói đến Hội An, bên cạnh những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, du khách sẽ còn nhớ đến một món quà lưu niệm đặc trưng khác, đó là con thổi hay còn gọi là tò he bằng đất nung. Những con tò he này có loại được quét lên một lớp dầu bóng, có loại để mộc. 

Người ta hay làm những con tò he theo hình mười hai con giáp, con tò he rỗng ruột, mỗi con có một hai cái lỗ nhỏ sau đuôi, thổi vào kêu te te, tò te. Có lẽ, từ tiếng kêu tò te này mà thành ra tên gọi tò he.

Bây giờ thì các con thú nho nhỏ từ loại làm bằng bột cho đến đất sét nung, thổi kêu được hay không kêu được đều gọi chung bằng cái tên tò he. Tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt hơi xưa (trước năm 1975), chỉ thấy có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931) giải thích tò he là "đồ chơi của trẻ con, làm bằng bột tẻ hấp chín", và Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Hà Nội-1967) giải thích là "đồ chơi của trẻ em nặn hình loài vật, làm bằng bột tẻ hấp chín và tô màu". Mấy quyển từ điển tiếng Việt in trong Nam trước năm 1975, như Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí đều không có chữ Tò he.

Những con tò he làm bằng bột, loại không thổi kêu. Ảnh Internet.

Trên trang Wikipedia ghi nhận, tò he là một loại trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam xuất hiện ở vùng quê, từ miền Bắc không rõ từ lúc nào. Một nơi có truyền thống về nặn tò he thấy ghi là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có lẽ ban đầu sản phẩm làm để cúng cho nên có hình dạng là đĩa xôi, nải chuối, mâm cỗ... Sau có thêm hình dáng những con vật như chim, công, gà, trâu, bò, cá, lợn... cho trẻ con chơi nên được gọi là "đồ chơi chim, cò". Có nơi gọi là con bánh, con giống. Ngoài màu sắc được pha từ những loại củ, quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ hoa hòe, bột nghệ, màu xanh từ lá chàm, lá riềng... Cho thêm vào bột nặn mật mía có vị ngọt trẻ con chơi chán có thể ăn được. Sau người ta gắn thêm vào một cái còi nhỏ bằng khúc tre, trúc có gắn cái lá mía thổi te te, tò te, thành ra tên gọi tò he.

Về loại hình tò he nặn bằng bột bên trên, tương tự như ở Việt Nam, tại Nhật cũng là một nghệ thuật truyền thống lâu đời. có tên là Amezaiku.


Những con tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

Nghệ nhân nặn tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

So với những con tò he bằng bột với nhiều màu sắc bên trên, những con tò he bằng đất nung thổi lên nghe tò te tò te của Hội An trông không "bắt mắt" và tinh xảo bằng, nhưng nó cũng có những điểm riêng, đó là nét dân dã, mộc mạc, chân phương mà tôi rất thích. Nó xứng danh với tên gọi tò he hơn những sản phẩm bột màu bên trên.

Nguồn: Blogger Phạm Ngọc Hiệp                            

Popular Posts