Breaking News

Cánh diều tuổi thơ

Thỉnh thoảng đi ngang qua những bãi chơi diều ở ngoại ô, nhìn những con diều đầy màu sắc và kiểu dáng được bán sẵn, đua nhau bay lượn trên bầu trời, tôi thoáng nghĩ “diều thành phố khác nhiều so với diều ở quê mình hồi nhỏ”.

Cây bằng cái kim, lá bằng cái quạt
Cây cao cao ngất, cao quá đỉnh ngàn

Thả diều vốn là món chơi không thể thiếu của trẻ nông thôn, khi mà xung quanh chỉ sẵn một khoảng trời rộng mênh mông của những cánh đồng bạt ngàn gió. Mỗi năm chỉ có một dịp thả diều đẹp nhất kéo dài chừng một tháng, lúc đó gió thổi đều đều, trời không mưa, vụ lúa đã xong, đồng thời cũng sắp nghỉ hè.

Vào mùa diều, mấy hàng tạp hóa bán dây cước trắng, dây nhựa các loại đủ màu sắc. Dây nhựa được chọn nhiều nhất là loại dây gồm ba hoặc nhiều cọng nhựa nhỏ hơn bện lại với nhau. Những ai chơi diều thường dùng lon sữa bò, ống tre, một khúc gỗ (hay củi) tròn nào đó đi mua dây.

Chất liệu làm diều khá đơn giản: giấy và nan tre. Nan tre được vót tròn khéo bằng ruột viết Bíc hoặc to hơn (tùy theo diều to hay nhỏ). Giấy thì giấy tập học sinh hay là giấy báo. Có người thay vì dùng giấy thì dùng ni-lon. Ni-lon thì khó làm diều hơn là giấy vì phải biết cách kết dính nan với ni-lon. Điều quan trọng nhất khi làm diều là phải uốn các nan thật cân đối để giữ thăng bằng khi đón gió.

Thả diều cũng là một kỹ năng cần phải rèn luyện. Nó mang tính trò chơi và thể thao cho nên cần có sự nhạy cảm đặc biệt qua việc cầm sợi dây và cảm nhận độ căng và độ xoắn của sợi dây. Đầu tiên là nhấp cho con diều nó bọc gió để nó từ từ vút lên cao. Nhấp diều có nhiều cách. Cách thông thường là cầm diều chạy lấy đà rồi thả dây ra từ từ để cho diều bọc gió lên cao. Trong lúc thả dây phải cảm nhận sự căng của dây mà thả dây ra nhanh hay chậm. Nhờ lấy chạy đà để bọc gió cho nên con diều mau bay lên và cũng mau đâm đầu xuống đất nếu mất thăng bằng. Cách thứ hai là đặt con diều xuống đất rồi đi cách xa mũi nó khoảng 20-30 mét. Đợi gió nhẹ thổi đến rồi giật giây và nhấp nhấp lên xuống để cho nó bọc gió bay lên cao. Khi nó bay lên cao khoảng 40-50 mét rồi phải nhấp nhẹ để giữ thăng bằng và thả dây ra từ từ để nó bay lên cao nhất.

Ra ngoài đồng thì nhìn đâu cũng thấy diều. Xa gần đều có diều. Diều phấp phới bởi những đuôi dài khắp chân trời và trên đầu. Thỉnh thoảng có những chiếc diều nơi khác thả cao lên và đúng ở trên đầu là nhìn đã nhất vì nó bay ra sao, lượn ra sao, ổn định ra sao... đều thấy rõ hết.

Ngoài việc cho diều bay lên cao, còn có những trò chơi nhẹ nhàn đến mạnh bạo xung quanh việc thả diều. Hay nhất là gắn sáo vào con diều để lợi dụng gió thổi nghe du dương vui tai. Thường diều có sáo thì thả thấp hơn để còn nghe tiếng sáo. Trò chơi khác là khi diều đã ổn định trên cao thì dùng những dải giấy nhỏ bề ngang khoảng 2-4 cm và dài khoảng 10-15 cm. Dùng chúng làm thành hình vòng bao quanh sợi đây và sức gió hút các vòng tròn đó lên cao và cao gần con diều. Khi sợi dây mang nhiều vòng tròn đó thì nó nặng và chùng xuống nhiều hơn vào con diều thấp hơn và xa hơn. Cái vui là nhìn từng vòng tròn bị gió hút lên theo sợi dây khi nhanh khi chậm. Trò chơi mạo hiểm hơn là cho con diều lượn qua lượn lại trên bầu trời. Những ai có máu tinh nghịch đều thích làm như vậy. Có người khéo làm cho con diều lượn hình số tám nằm ngang. Bạo lực hơn là đấu diều nhau. Hai con diều cố gắng đâm vào nhau cho đến khi rách. Nếu đâm không khéo thì hai sợi dây diều xoắn lại với nhau và cả hai con diều đâm đầu xuống đất.

Chuyển về thành phố sống khi còn khá nhỏ, ký ức tuổi thơ của tôi không còn những cánh đồng ngát gió mà bị chen lẫn bởi nhiều căn nhà cao tầng, nhiều con đường chật hẹp và những dòng người đông đúc ngược xuôi. Thế nhưng, cảm giác về một bữa tiệc diều lộng lẫy thì khó có thể nào quên.


(Sưu tầm)

Popular Posts